Views: 1169Views: 1170

Những nhân vật đã qua đời vẫn có thể làm hình ảnh đại diện nếu bạn biết cách thể hiện sự phù hợp một cách độc đáo, thực tế và khéo léo. Những nhân vật qua đời đã lâu sẽ hiệu quả hơn những người mới qua đời gần đây. Bạn có thể nghĩ đến vua Henry VIII (một trong những vị vua của Anh ở thế kỷ XVI) thay vì Henry Fonda (nam diễn viên gạo cội của Hollywood). Nhìn chung, đây là một vấn đề tế nhị và không được xem là cách tiếp cận phổ biến, ở hầu hết mọi thời điểm. Dù vậy, trong vòng 25 năm qua, vẫn có những chiến dịch quảng cáo tạo ấn tượng mạnh khi sử dụng hình ảnh những nhân vật đã qua đời.

Một ví dụ điển hình và được nhiều người nhớ đến nhất có lẽ là nỗ lực của IBM trong việc sử dụng hình ảnh diễn viên hài nổi tiếng Charlie Chaplin để marketing cho dòng sản phẩm máy tính cá nhân trong thập niên 80. Trong các bộ phim câm của mình, Chaplin thường đóng vai những nhân vật thuộc tầng lớp bình dân và luôn tạo được sự lôi cuốn lớn với hình ảnh một con người ngây thơ bị kẹt trong một thế giới đầy phức tạp.

Xét trên nhiều cấp độ, hình ảnh Chaplin phù hợp đối với IBM chủ yếu là do máy tính cá nhân của IBM là sản phẩm mới trên thị trường. Thứ nhất, hình ảnh Chaplin đã củng cố thông điệp rằng máy tính cá nhân thật ra chẳng có gì ghê gớm. Bạn không cần phải là một thiên tài mới có thể sử dụng được – và sự thật thì bất kỳ ai cũng có thể học được cách sử dụng chúng. Đây chính là điểm quan trọng cần phải thể hiện vào những ngày đầu của dòng sản phẩm máy tính cá nhân mới mẻ này. Khách hàng tỏ ra thận trọng và không muốn sở hữu một cái máy mới tinh mà họ không có khả năng sử dụng.

Thứ hai, hình ảnh Chaplin thể hiện sự giản đơn và tiết kiệm, chính điều này làm khách hàng tiềm năng có thể nghĩ rằng “Mình thật sự đâu có phung phí khi mua một cái máy tính cá nhân”, cho dù chi phí của một chiếc máy tính là đáng kể. Chiến dịch quảng cáo này thật sự là xuất sắc và đã tạo đà cho những dòng sản phẩm máy tính cá nhân phát triển. Đây chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa một ngôi sao điện ảnh đã qua đời và công nghệ hiện đại.

Không chỉ IBM, hãng xe hơi Ford cũng là một trong những thương hiệu sử dụng cách thức này khi Ford bắt đầu mở chiến dịch tung ra lại kiểu xe Mustang cổ điển. Công ty đã chỉnh sữa những đoạn phim cũ của Steve McQueen để tái hiện cảnh ông xuất hiện trong hình ảnh người lái xe nghiêm nghị ngồi sau vô lăng chiếc Mustang đã được thiết kế mới. Liệu ngôi sao điện ảnh của thập niên 60-70 này có thật sự thu hút đối tượng khách hàng tiềm năng? Có lẽ có nếu đó là lớp khách hàng thuộc độ tuổi trung niên 50 tuổi trở lên. Còn đối với nhóm khách hàng tiềm năng trẻ tuổi hơn, điều này chỉ có thời gian mới trả lời được.

Như đã nhắc tới ở trên, bạn cần phải cẩn trọng khi sử dụng các nhân vật đã qua đời làm hình ảnh đại diện. Những nhân vật này không thể nói được, cũng như không bao giờ sử dụng sản phẩm hay dịch vụ đang được quảng bá. Ngoại trừ trường hợp của IBM sử dụng diễn viên hóa trang thành Chaplin, việc sử dụng hình ảnh của những nhân vật đã qua đời chủ yếu với mục đích tạo ấn tượng gây sốc khiến khách hàng phải chú ý đến thông điệp của bạn. Việc gây sốc thường có tác dụng – ít nhất là đối với những ai vốn đã được biết hay được đọc về nhân vật đã qua đời, Việc gây sốc này có thể tạo ra kết quả tốt, xấu hoặc không có gì khác biệt cho sản phẩm của bạn. Đây chính là điều rủi ro lớn nhất khi sử dụng cách thức quảng bá này.