Views: 620Views: 621

CHIA SẺ HY VỌNG

Chia sẻ hy vọng giúp tạo khát vọng. Khi bạn chia sẻ những hy vọng cá nhân sẽ và những gì quan trọng đối với bạn sẽ khiến người khác nảy sinh mong muốn khích lệ và ủng hộ bạn. Đáng tin cậy là chia sẻ niềm hy vọng lẫn nỗi sợ hãi. Hành động đó tiết lộ đam mê và khát vọng của bạn có ý nghĩa gì với cá nhân bạn lẫn những người bạn làm việc cùng. Khi chia sẻ hy vọng bạn trở nên dễ tổn thương bởi những hy vọng đó có thể không trở thành hiện thực. Tuy nhiên những hy vọng đó có thể truyền cảm hứng cho người khác, và họ sẽ đứng phía sau bạn khi bạn theo đuổi chúng.

Hy vọng khác với mục tiêu và đem lại kết quả khác nhau. Mục tiêu là những kết quả tập trung cần phải có sự tận tâm mạnh mẽ để đem lại. Còn hy vọng là những khát vọng tô điểm màu sắc cho hướng đi nhưng không phải là bất di bất dịch như mục tiêu. Khi chia sẻ hy vọng ta có thể kích thích trí tưởng tượng của người khác. Ý tưởng cho các dự án quan trọng thường bắt nguồn từ khát vọng chung chung có thể biến thành các kế hoạch và phát triển thành kết quả ấn tượng.

Khi chia sẻ hy vọng bạn không biết chúng có trở thành hiện thực hay không. Rất nhiều trong số chúng sẽ thất bại, trong khi một số hy vọng sẽ có đời sống riêng. Đôi khi ta do dự không muốn chia sẻ hy vọng với người khác bởi nghĩ rằng chúng không có cơ sở vững chắc và ta không thể nói hết mọi bằng chứng để ủng hộ chúng. Tuy nhiên can đảm chia sẻ hy vọng đã là một đóng góp có ý nghĩa. Tìm hiểu hy vọng của người khác có thể tạo nên một tập hợp các ý tưởng mà từ đó có thể phát triển thành những khát vọng chung của một tập thể lớn hơn.

Cách thức chia sẻ hy vọng
Sẵn sàng chia sẻ hy vọng của bạn dù chúng không thể phát triển đi chăng nữa.
Hỏi người khác về hy vọng của họ và tìm hiểu xem nền tảng chung là gì.
Xem việc bày tỏ hy vọng hoàn toàn khác biệt so với xác định mục tiêu.
Nghĩ thoáng trong việc để cho một số hy vọng héo tàn còn số khác lại tìm thấy động lực thúc đẩy.

CHIA SẺ QUAN ĐIỂM 

Một người dù có xu hướng bảo thủ đến mấy thì cũng có những khoảnh khắc muốn lắng nghe quan điểm của người khác. Hãy luôn sẵn sàng với các quan điểm của mình và chia sẻ chúng khi có cơ hội. Mọi người đều nhìn thế giới qua một lăng kính riêng. Chúng ta có thể cùng quan sát một khung cảnh nhưng mỗi người sẽ nắm bắt những đặc điểm khác nhau của cảnh quan đó. Tương tự, trong một tập thể có thể có một quan điểm chủ đạo, nhưng những người khác cũng có cách nhìn nhận hợp lý về một vấn đề nào đó.

Không ít tập thể tồn tại quan điểm áp đặt và cho rằng người khác phải đồng ý với ý kiến của họ. Những tập thể có khả năng sáng tạo cao luôn khuyến khích đưa ra nhiều quan điểm khác nhau để quan điểm chính thống không làm mai một tư duy đổi mới và các cuộc tranh luận hữu ích.

John bị thuyết phục rằng chỉ có một cách duy nhất để quản lý tốt lượng công việc khổng lồ của phòng tài chính. Phương pháp đó đã hiệu quả trong mười năm qua và có lẽ nó sẽ còn vận hành tốt trong mười năm tới. Jenny đã trải nghiệm một cấu trúc quản lý linh hoạt và có tính thích ứng hơn, đồng thời cũng đòi hỏi sự nhiệt tình hơn của các thành viên trong cơ quan. Tuy nhiên cô hiểu không thể áp dụng nó nếu sếp chưa sẵn sàng thay đổi. Cô cần chờ đợi thời khắc John thiếu sự tự tin hơn khi phải đối mặt với một vấn đề nào đó và muốn lắng nghe những ý tưởng mới.

Khi phòng tài chính không đưa được những số liệu chính xác trong đợt kiểm toán năm, Jenny đã đề xuất với sếp một vài kỹ thuật giúp tăng hiệu suất làm việc có thể được áp dụng trong năm tới. John đã đồng ý với đề xuất của Jenny và quy trình mới được vận hành. Jenny cũng đưa ra quan điểm về những điều có thể thực hiện được xuất phát từ kinh nghiệm làm việc tại các cơ
quan khác của cô. Ban đầu cô còn ngần ngại, nhưng được sự khích lệ của mọi người cô đã nắm lấy cơ hội để chia sẻ quan điểm của mình.

Sự tự tin của Jenny tăng lên sau khi cô chia sẻ quan điểm và chứng kiến những đề xuất của mình được thực hiện. Jenny cảm thấy giá trị bản thân lớn hơn và cô sẵn sàng đối mặt với các nguy cơ khi đưa ra ý kiến trái chiều với các quan điểm truyền thống thông thường.

Quan điểm có thể chia sẻ hay không
Cố gắng nắm bắt quan điểm của những người lãnh đạo cơ quan và suy ngẫm lý do vì sao chúng lại quan trọng với họ.
Suy nghĩ các quan điểm của bản thân và cách hình thành của chúng. 
Nhận thức rằng luôn có lý do khiến người ta chọn một quan điểm cụ thể nào đó. Cố gắng thấu hiểu xuất phát điểm của chúng nằm ở đâu.
Ghi nhớ khi nào quan điểm bạn đưa ra được đón nhận và đánh giá cao.
Sẵn sàng trình bày khi bạn có niềm tin vào giá trị của các quan điểm mình muốn chia sẻ. Hãy biết lựa chọn thời điểm người khác dễ tiếp thu hơn và muốn lắng nghe những cách tiếp cận mới.
Đừng bao giờ quá độc đoán với quan điểm của mình. Hãy trình bày chúng một cách ấn tượng đồng thời không quên xác định rõ kết quả của cách tiếp cận ưa thích của bạn. Sẵn sàng tiếp thu quan điểm của người khác trên tinh thần xây dựng thay vì đánh giá thấp hay gây tổn hại giải pháp của họ.
Chia sẻ quan điểm của bạn với những người đáng tin cậy để kiểm nghiệm tính khả thi của chúng.