Views: 675Views: 676

1. THỂ HIỆN LÒNG TRUNG THÀNH

Lòng trung thành được thể hiện qua cách bạn không ngừng toàn tâm toàn ý ủng hộ những người đang lãnh đạo bạn hay mục tiêu mà cả hai hằng theo đuổi. Lòng trung thành với một sự nghiệp là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự kiên cường, quyết tâm và năng lượng. Người ta có thể cảm thấy trung thành mạnh mẽ với sếp, ông chủ, với đại cuộc mà họ gắn bó và với những người họ tìm cách giúp đỡ.

Người nắm vai trò lãnh đạo nên để mắt tới những người trung thành lẫn những người đứng núi này trông núi nọ. Nếu bạn muốn gây ảnh hướng với sếp, hãy biểu lộ rõ ràng lòng trung thành của mình để trấn an sếp, bằng cách đó sếp sẽ lắng nghe bạn nhiều hơn. Trung thành là đức tính mà các sếp luôn coi trọng và mong đợi ở nhân viên của mình. Tuy vậy họ sẽ thấy lo nếu cảm thấy đó là trung thành mù quáng. Thái độ trung thành kiểu luôn coi sếp là hoàn hảo có thể dẫn tới những quyết định nghèo nàn. Một người được vây quanh bởi những người trung thành một cách mù quáng và luôn cho rằng sếp không bao giờ sai thì dễ nảy sinh ảo tưởng vĩ đại và bịt mắt trước những hiểm họa lơ lửng.

Lòng trung thành là hết sức quan trọng, nhưng trung thành mù quáng là thiển cận và phá hoại. Sức ảnh hưởng cá nhân đối với một ai đó phụ thuộc vào cách bạn chứng tỏ lòng trung thành với họ, nhưng là kiểu trung thành dám nói thật với người có chức có quyền đồng thời đem lại sự ủng hộ hiệu quả.

Xây dựng ảnh hưởng bằng cách thể hiện lòng trung thành như thế nào cho đúng

Ai là người bạn đặc biệt trung thành, và đâu là nguyên nhân dẫn đến lòng trung thành đó?
Liệu lòng trung thành của bạn có luôn được thể hiện qua những cách mang tính xây dựng nhất, hay bạn nên sẵn sàng bày tỏ sự dè dặt nhiều hơn?
Làm cách nào bạn cân bằng giữa việc công khai thể hiện lòng trung thành và nói thẳng nói thật với người có chức có quyền trong các cuộc gặp riêng tư?
Liệu có lúc nào lòng trung thành cản trở việc đạt đến những quyết định tốt không? 

2. THỂ HIỆN SỰ TÔN TRỌNG

Thể hiện sự tôn trọng là thừa nhận và tìm kiếm sự thông cảm về những quan điểm văn hóa khác nhau của mọi người và không hạ thấp giá trị của họ. Tầm ảnh hưởng của chúng ta sẽ tăng lên khi ta thể hiện sự tôn trọng đối với những sở thích và quan điểm khác nhau. Tôn trọng là nỗ lực khám phá các giá trị và phẩm chất của người khác. Đó là thừa nhận những khác biệt văn hóa là tôn trọng lý do người từ những nền văn hóa khác nhau nhìn nhận và xử lý vấn đề khác nhau.

Thể hiện sự tôn trọng còn bao gồm nhận thức tầm quan trọng của niềm tin tín ngưỡng trong quan điểm của người khác, và các hoạt động tín ngưỡng của cá nhân và cộng đồng thay vì bài xích họ. Thể hiện sự tôn trọng thường là công nhận những khác biệt
quốc tế. Đó là ý thức rằng những quốc gia và nền văn hóa khác nhau có những kỳ vọng và cách ra quyết định khác nhau. Để tạo sức ảnh hưởng cá nhân và giành được sự trọng thị của người đến từ một quốc gia thì bạn cần tôn trọng di sản của quốc gia đó.

Thể hiện sự tôn trọng là một quá trình hai chiều. Bạn càng tôn trọng nền tảng và truyền thống của người khác thì họ cũng sẽ tôn trọng bạn nhiều hơn. Chia sẻ điều gì đó trong nền tảng văn hóa, xã hội và tín ngưỡng của mình sẽ giúp xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc để bạn bước vào đàm phán.

BẠN ĐÃ THỂ HIỆN SỰ TÔN TRỌNG BAO GIỜ CHƯA

Bạn có tôn trọng một tập thể nào đó hơn những tập thể khác không? Liệu điều đó có chính đáng?
Bằng cách nào bạn có thể tạo cảm giác tôn trọng hơn đối với những người bạn từng bài xích?
Làm thế nào để bạn có thể gia tăng sự hiểu biết và tôn trọng đối với một số cá nhân đặc biệt nhằm tác động hiệu quả hơn tới họ?
Bạn có thể tạo dựng sự tôn trọng lẫn nhau mạnh mẽ hơn để củng cố sức ảnh hưởng lẫn nhau theo hướng tích cực và có qua có lại?

3. THỂ HIỆN SỰ THẤU HIỂU

Nếu chúng ta thể hiện sự thấu hiểu đối với người mà ta đang giao tiếp, họ sẽ trao đổi cởi mở hơn và sẵn sàng đón nhận sức ảnh hưởng của bạn. Khi đảm trách vai trò huấn luyện cho một số người hoạt động trong lĩnh vực công việc mới, tôi cần chứng tỏ mình thấu hiểu các vấn đề mà lĩnh vực đó đối mặt. Tôi cũng cần có đủ hiểu biết để đặt ra câu hỏi xác đáng và rõ ràng về các ưu tiên cũng như các mối quan ngại chủ yếu. Chẳng hạn, bất kỳ ai tư vấn tiếp thị cho một tổ chức đều phải hiểu biết đầy đủ về thị trường, công ty và nhân sự trong đó trước khi có thể đưa ra lời tư vấn có sức ảnh hưởng.

Bạn chỉ có thể được chào đón với vòng tay rộng mở nếu thể hiện mình hiểu những sắc thái của thế giới mình muốn bước vào. Tích lũy hiểu biết về một tổ chức luôn có những mức độ khác nhau. Nền tảng đầu tiên là kiến thức thực tế và các xu hướng, sau đó là kiến thức về lịch sử, khát vọng, những thành công hay thất bại của tổ chức đó. Mức độ kế tiếp là thấu hiểu cảm xúc đằng sau lý do người ta gia nhập tổ chức đó, điều gì dẫn dắt họ và họ đang nỗ lực đạt được thành quả gì. Hiểu biết tốt bắt đầu bằng sự việc, sau đó là các xu hướng, khát vọng, những hy vọng và sợ hãi.

Có rất nhiều cách đơn giản để thể hiện sự hiểu biết. Bạn có thể đặt ra những câu hỏi thích đáng, sau đó thể hiện hiểu biết của bạn về lịch sử và những thành tựu trong quá khứ của tổ chức.

CÁC BƯỚC ĐỂ THỂ HIỆN SỰ THẤU HIỂU

Dành thời gian tìm hiểu thực tế, lịch sử và khát vọng của cơ quan nơi bạn đang làm việc.
Sẵn sàng tìm hiểu nhiều hơn về tổ chức bằng cách đặt câu hỏi cẩn trọng.
Sẵn sàng thể hiện sự hiểu biết bằng cách đóng góp vào các cuộc thảo luận.
Hãy nhớ rằng việc đưa ra các dẫn chứng cho thấy bạn hiểu được khát vọng của người khác sẽ khiến người ta cởi mở hơn đối với ảnh hưởng của bạn.