Mục lục bài viết
4. Thể hiện sự tôn kính
Nghĩa là một nhận thức đúng đắn địa vị của ai đó. Nhưng tỏ ra tôn kính quá mức có thể không đem lại hiệu quả như mong muốn, và khiến bạn đánh mất sức ảnh hưởng lẽ ra đã có. Một người làm việc chăm chỉ để đạt được một thành quả đặc biệt nào đó xứng đáng nhận được sự tôn kính và sự công nhận. Lòng tôn kính đối với lãnh đạo là cần thiết để đảm bảo các mệnh lệnh và quyết định được thi hành. Không có sự tôn kính dễ dẫn tới bất hòa và thậm chí đôi khi là tình trạng vô chính phủ.
Đôi khi lòng tôn kính là dành cho địa vị mà ai đó nắm giữ chứ không nhất thiết là con người ở địa vị đó. Vai trò của các thẩm phán đòi hỏi cần có sự tôn kính để những mệnh lệnh và kỷ luật được thực thi tại các phiên tòa. Chúng ta cần làm theo hệ thống vận hành ở bất cứ tổ chức nào và thể hiện sự tôn kính dành cho những người ở các vị trí chịu trách nhiệm để xây dựng uy tín và vai trò cho chính mình.
Nhưng thể hiện tôn kính quá mức có thể phản tác dụng. Một khi bạn thể hiện lòng tôn kính ở mức độ thích hợp đối với lãnh đạo của mình và tạo dựng các mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng, bạn sẽ cảm thấy thoải mái nói về cách tiếp cận của họ thay đổi thế nào thì có lợi. Những mối quan hệ làm việc hiệu quả nhất có sự trao đổi quan điểm và tầm nhìn lẫn nhau một cách cẩn trọng và có mục đích mà không quá chú trọng tới vị trí hay cấp bậc.
Tôn kính ở mức độ nào là phù hợp
• Suy ngẫm những lý do bạn thể hiện sự tôn kính dành cho ai đó: liệu có phải chỉ là cảm xúc nhất thời?
• Cân nhắc xem liệu sự tôn kính có gây cản trở tới khả năng bày tỏ suy nghĩ của mình hay không.
• Bạn có thể biến một mối quan hệ quá nặng tôn kính trở nên tích cực và có mục đích hơn không?
• Bạn cần thay đổi gì để đảm bảo sự tôn kính không làm suy giảm tầm ảnh hưởng của bạn?
• Bạn quyết định giảm lòng tôn kính dành cho ai?
5.Thể hiện sự ghi nhớ
Thể hiện bạn luôn ghi nhớ các chi tiết sẽ tạo ra uy tín với những người bạn tìm cách gây ảnh hưởng. Thực tế việc ghi nhớ thể hiện sự quan tâm nghiêm túc của bạn cũng như sức ảnh hưởng của ai đó đối với bạn. Tâm trí của chúng ta chứa đủ thứ – đôi khi ta nhớ những cái tên, những nơi chốn, và rồi có lúc ta lại quên béng mất. Nhớ lại những sự kiện trong quá khứ hay hồi tưởng những ký ức đã trải qua giúp tạo nên cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, mang lại cảm giác cùng hội cùng thuyền và mong muốn được làm việc cùng nhau trên tinh thần xây dựng.
Là một người huấn luyện điều hành, tôi thường đưa cho các học trò của mình bản ghi nhớ sau mỗi cuộc họp để nhắc nhở hành động họ đã nói họ sẽ thực hiện. Như thế trong cuộc họp tiếp theo tôi có thể nhớ những vấn đề đã được đề cập trong buổi thảo luận trước. Như thế giúp tôi vạch ra định hướng cho các câu hỏi huấn luyện của mình. Chứng tỏ bạn ghi nhớ không có nghĩa là phải học thuộc lòng tất cả các chi tiết nhỏ nhặt, mà là ghi nhớ những dữ liệu, sự kiện quan trọng để đưa vào các cuộc thảo luận sau này. Trước khi gặp một người mà đã lâu rồi bạn không liên lạc, việc dành đôi chút thời gian hồi tưởng những kỷ niệm đã có về họ là rất đáng làm.
Đôi khi uy tín của bạn phụ thuộc vào việc thể hiện bạn ghi nhớ những bài học thu được từ quá khứ. Kết quả đạt được sau khi suy ngẫm thấu đáo kinh nghiệm quá khứ tạo dựng uy tín về kiến thức cũng như chiều sâu kinh nghiệm của bạn.
Hãy ghi nhớ ký ức như một câu chuyện
• Coi những ký ức của bạn là các câu chuyện có giá trị chứ không phải là một mớ hỗn độn không cần thiết.
• Rút ra từ ký ức điều gì vận hành tốt điều gì chưa sẽ cung cấp bài học để bạn vận dụng vào việc gây ảnh hưởng với người khác.
• Khi nhớ về ai đó, đừng ngại ngùng nhắc lại những kỷ niệm đã có cùng họ, hãy làm điều đó một cách tích cực và nồng nhiệt.
• Đừng bao giờ sử dụng trải nghiệm chung đã có theo cách thủ đoạn – hãy để bản thân điều đó tác động tới sự cởi mở và ấm áp của cuộc trao đổi.
6. Thể hiện bạn đang lắng nghe
Lắng nghe thể hiện chúng ta tương tác hoàn toàn với người xung quanh và đóng góp theo cách đòi hỏi sự tôn trọng. Người biết lắng nghe luôn thể hiện rằng họ đang lắng nghe. Họ thể hiện qua nét mặt nhiệt tình và đồng cảm và chia sẻ cảm nhận đồng hành. Người biết lắng nghe thường tổng kết về những gì đã nghe, đưa ra những câu hỏi cho thấy họ nhận thức được vấn đề và
xác định cách tiến tới.
Người có khả năng đúc kết quan điểm đa dạng họ đã nghe được có thể cung cấp thông tin đầu vào chất lượng cho một cuộc thảo luận hay chiến lược. Bạn càng thể hiện rằng bạn đang lắng nghe những quan điểm khác nhau thì bạn càng thu thập nhiều kiến thức từ người khác. Điều này sẽ làm tăng sức ảnh hưởng cá nhân của bạn bởi vì bạn đang làm một bộ lọc chính xác và giá trị.
Lắng nghe có dễ thể hiện hay không tùy thuộc ở bạn
• Hãy luôn thể hiện bạn là một người biết lắng nghe qua ánh mắt và nét mặt.
• Chịu khó lắng nghe ý kiến của nhiều người khác nhau và kiểm tra kiến thức của họ.
• Đúc kết những điều bạn đã nghe được và cũng đừng ngại nếu người khác dường như không lắng nghe.
• Ý thức rằng nếu bạn lắng nghe tốt thì hầu hết mọi người sẽ phản chiếu nét mặt của bạn và phản hồi tương ứng.
Ý tưởng thể hiện để xây dựng ảnh hưởng cá nhân phần trước: https://chuyenpr.com/pr-thuong-hieu/thuong-hieu-ca-nhan/the-hien-de-xay-dung-anh-huong-ca-nhan-1/