Mục lục bài viết
Sử dụng các câu chuyện
Người ta hiếm khi nhớ hết các luận điểm nhưng có thể nhớ được một vài sự việc quan trọng. Người nghe thường có xu hướng ghi nhớ các câu chuyện. Một câu chuyện thu hút được sự chú ý sẽ đem đến phản hồi cảm xúc lẫn lý trí. Một câu chuyện dông dài, rời rạc sẽ gây ra cảm giác tẻ nhạt, rối trí và trở nên lạc lõng. Trái lại, câu chuyện ngắn gọn súc tích sẽ thu hút được sự tập trung, nhất là khi bạn có thể lồng các hình ảnh minh họa vào trong lời kể.
Người có khả năng tạo ra các thông điệp sống động khi mang tới những ví dụ ngắn gọn, rõ ràng dễ khiến người khác chú ý hơn. Một nhà tư vấn nếu kể câu chuyện về thành công trong công việc anh ta đã đạt được ở một cơ quan khác sẽ làm tăng uy tín của anh ta. Một người đi phỏng vấn nếu có thể kể ra câu chuyện về sức ảnh hưởng cá nhân tại tình huống tương tự trong quá khứ sẽ trở thành ứng viên đáng tin cậy. Một kỹ sư có thể đưa ra câu chuyện chứng minh kỹ năng của mình đã dẫn tới thành công của dự án trong quá khứ ra sao sẽ nhận được sự tôn trọng từ những người muốn anh ta gia nhập nhóm. Một câu chuyện hấp dẫn nhất thiết phải có điểm nút.
Trước hết bạn cần hiểu rõ lý do tại sao phải kể câu chuyện đó, rồi cố gắng diễn đạt một cách cô đọng nhất để người nghe dễ dàng tiếp cận với thông điệp được đưa ra. Trái lại câu chuyện lan man dài dòng sẽ khiến người nghe chán ngấy. Bạn nên luyện
tập kể chuyện để tinh lọc các điểm quan trọng và kể ra một cách thoải mái.
• Quan sát những người có tài kể chuyện, đặc biệt là cách họ đưa ra những điểm cốt lõi của câu chuyện.
• Cân nhắc mức độ cần thiết của tình huống để câu chuyện có vẻ tin cậy.
• Sử dụng việc kể chuyện như là một phương thức giao tiếp trong ngữ cảnh đời thường và tìm kiếm phản hồi để biết những câu chuyện đó có truyền tải được thông điệp của bạn hay không.
• Khi bạn muốn sử dụng câu chuyện trong bài phát biểu của mình, hãy luyện tập nhiều lần để rút ngắn độ dài câu chuyện xuống còn một nửa, rồi một phần tư. Điều đó sẽ giúp bạn rút gọn câu chuyện xuống còn những điều mấu chốt.
• Biết người khác hình dung gì qua câu chuyện bạn kể, và đảm bảo cung cấp yếu tố thị giác trong câu chuyện.
• Luyện tập phong cách kể chuyện thoải mái và cho phép bản thân mìm cười với câu chuyện.
• Dành chút thời gian để người khác ngẫm nghĩ về câu chuyện của bạn trước khi chuyển sang luận điểm tiếp theo.
Hãy đa dạng hóa cách tiếp cận
Đa dạng hóa cách tiếp cận giúp bạn nắm bắt được sở thích, các mối quan tâm của người khác. Mở rộng các cách tiếp cận để có thể phản ứng tương thích với từng hoàn cảnh giúp bạn tránh bị bất ngờ. Khi gặp người mà ta có thể đoán trước hành vi của họ, ta thường có xu hướng bỏ qua họ. Ta tự nhủ rằng mình biết rõ họ sắp sửa nói điều gì, bởi thế ta sẽ thấy không cần thiết phải lắng nghe họ nữa.
Đa số chúng ta đều cố gắng phát triển một vài cách tiếp cận hiệu quả trong các cuộc họp, buổi thảo luận hay diễn thuyết. Chúng ta thường quá phụ thuộc vào một hay hai phương thức đã được thử nghiệm và kiểm chứng. Tuy nhiên, không phải chúng phù hợp với mọi tình huống. Người khác thường có xu hướng tiếp tục lắng nghe nếu bài phát biểu của bạn chứa đựng những nhân tố bất ngờ. Khi bạn thay đổi cách tiếp cận, bạn sẽ khơi dậy lòng hiếu kỳ trong họ. Nếu bạn biết cân bằng giữa việc vận dụng các kỹ năng tâm đắc của bản thân với khả năng đa dạng hóa cách tiếp cận, bạn sẽ dễ dàng thích ứng với từng tình huống cụ thể mình đang đối mặt.
Isobel luôn tin vào khả năng đưa ra các lý lẽ có tính thuyết phục cao. Cô cho rằng sức mạnh trong các lập luận của mình sẽ giành được sự tán đồng của đồng nghiệp. Tuy nhiên cô đã không lường trước được nguy cơ những đồng nghiệp đó cảm thấy bị lấn át hay e ngại sự hiếu thắng thái quá của cô. Hệ quả là họ thường tỏ ra lãnh đạm với các đề xuất của Isobel. Sau đó Isobel quyết định cần có những cuộc gặp gỡ cá nhân thường xuyên hơn để có thể hiểu thêm về họ. Kết quả là cô đã nhận được nhiều sự ủng hộ hơn khi đưa ra đề xuất của mình trong các cuộc họp chính thức. Việc trao đổi riêng trước các cuộc họp đã giúp cô tăng khả năng thu được kết quả mong đợi, đồng thời sức ảnh hưởng của cô cũng tăng lên khi mà cô đã biết lắng nghe quan điểm của các đồng nghiệp trong công ty.
• Biết rõ cách tiếp cận hiệu quả với người khác, trong các cuộc họp, buổi thảo luận hay các bài diễn thuyết và nhận ra đâu là thế mạnh của mình.
• Thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau, bắt đầu với các tình huống không quá quan trọng.
• Quan sát người khác điều chỉnh cách tiếp cận của họ.
• Coi điều chỉnh cách tiếp cận là ưu điểm.
• Ăn mừng khoảnh khắc bạn điều chỉnh cách tiếp cận và nó phát huy tác dụng, và đưa nó vào danh mục cách tiếp cận của bạn.
• Xem việc đem lại yếu tố bất ngờ là phần quan trọng trong cách tiếp cận của bạn.